"Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng rao bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản cho hay.
Nhà liền kề chủ yếu ở Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính sách khuyến mãi lớn và tặng quà khủng. Ngoài ra, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý I mặc dù giao dịch thấp.
Bên cạnh đó, giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, theo Hội môi giới, dù vậy cũng không xuất hiện giao dịch thực.
Đưa nhiều khách đi mua nhà, chị Vũ Hà Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn nhà. Theo chị, khách có thể dành ngày nghỉ để đi xem một số căn nhà nhưng nếu mua để ở, khách chốt căn nào thì nên tới tận nơi xem vào một ngày trời mưa.
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chị Phương giải thích, việc xem nhà ngày mưa sẽ giúp khách nhận ra những khuyết điểm của ngôi nhà. Đi xem nhà ngày mưa cũng sẽ giúp khách tránh được những rắc rối mà phải về ở mới phát hiện được.
"Hơn nữa, nếu phát hiện ra lỗi, người mua hoàn toàn có thể thương lượng lại giá với chủ nhà ngay tại chỗ. Như vậy, khách hàng sẽ mua được nhà với giá cả hợp lý hơn", chị Phương cho hay.
Cũng theo người môi giới này, vào những ngày mưa, các căn nhà thổ cư thường bộc lộ một số điểm yếu như nước ngấm chân tường lâu ngày dẫn tới nấm mốc, thấm dột từ trần. Nhà bị ngấm nước dẫn tới nấm mốc, lâu ngày ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của những người sinh sống trong nhà và gây mất thẩm mỹ.
Xuất hiện diễn biến bất ngờ trên thị trường chung cư Hà Nội, TPHCM
Theo báo cáo vừa được batdongsan.com.vn công bố, thị trường chung cư tại Hà Nội trong quý II có nhiều điểm sáng hơn so với TPHCM, tạo nên một bức tranh hoàn toàn khác biệt.
Cụ thể, trong khi Hà Nội có lượng tin đăng tăng 22% so với quý trước thì TPHCM giảm 3%. Mức độ quan tâm chung cư tại Hà Nội cũng có sự tăng trưởng tốt với mức tăng ấn tượng 21%, trong khi TPHCM chỉ tăng nhẹ với 5%.
Ngoài ra, giá bán chung cư tiếp tục tăng trong quý II với mức tăng lần lượt là 2,6% ở Hà Nội và 1,4% ở TPHCM.
Đáng chú ý theo đơn vị này, giá chung cư ở TPHCM sau nhiều năm tăng cao, vượt xa mức tăng chung cư ở Hà Nội thì tới quý II năm nay, chung cư TPHCM đã có dấu hiệu chững giá với mức tăng không đáng kể, thấp hơn tỷ lệ tăng chung cư Hà Nội.
Nở rộ chiêu trò bán cắt lỗ căn hộ chung cư trong mùa dịch
Khảo sát qua nhiều trang mạng mua bán bất động sản, PV không khó nhìn thấy các thông tin rao bán căn hộ cắt lỗ căn hộ chung cư. Đơn cử như, một căn hộ tầng 21, diện tích 73,5 m2, nội thất liền tường, 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, view bể bơi nằm trong dự án trên đường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được chào bán cắt lỗ gần 200 triệu đồng.
Trong vai người mua nhà, PV được người rao bán tên C.T. giới thiệu, căn hộ được mua cách đây 2 năm với mục đích đầu tư. Giá mua vào hơn 3 tỷ đồng (40 triệu đồng/m2), giờ bán ra hơn 2,8 tỷ đồng (37,3 triệu đồng/m2).
Theo chia sẻ anh T., anh là một trong những nhà đầu tư cá nhân, chuyên "săn" các căn hộ chung cư, mua vào từ khi đào móng và bán ra khi dự án cơ bản hoàn thiện hạ tầng. Bình thường, mỗi căn hộ đều có lãi từ 10 - 30%. Nếu không vì dịch Covid-19, anh phải bán giá tầm 3,2 - 3,4 tỷ đồng.
"Thấm đòn" Covid-19 lần thứ 4, chủ khách sạn trăm tỷ đồng "tháo chạy"
Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài giảm mạnh, kéo theo đó, các khách sạn cũng lâm vào cảnh kinh doanh thua lỗ buộc phải đóng cửa, thậm chí rao bán.
Thông tin rao bán khách sạn giá hàng trăm tỷ đồng được đăng tải nhiều trên các trang mua bán bất động sản (Ảnh chụp màn hình).
Khảo sát trên một chuyên trang mua bán bất động sản, các tin rao bán khách sạn bắt đầu xuất hiện từ giữa đợt Covid-19 thứ hai và chỉ tại một số tuyến đường thuộc trung tâm TPHCM hay Hà Nội. Tuy nhiên, sau lần bùng dịch thứ 4, các thủ phủ du lịch và thành phố biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn cũng đua nhau rao bán. Mỗi ngày, trên các trang tin có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Cách trung tâm Hồ Gươm chỉ vài trăm mét, ngay phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi trước đây luôn sầm uất du khách nước ngoài, anh Trần Hoàng Lâm - chủ một khách sạn - chia sẻ thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù đã cố gắng cầm cự, cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, tuy nhiên do nguồn vốn cạn kiệt, anh buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng.
Khách sạn của anh có diện tích 374 m2 với 65 phòng và được rao bán với giá khoảng 254 tỷ đồng. Mặc dù đã nhận được nhiều cuộc gọi trả giá nhưng vẫn chưa có khách đặt cọc.